Cách thức nuôi, chọn cá giống, thụ tinh và cho sinh sản đối với cá 7 màu giống

Cách thức nuôi, chọn cá giống, thụ tinh và cho sinh sản đối với cá 7 màu giống

– Theo đánh giá của tôi thì một cặp cá giống hoàn hảo cần được lựa chọn từ cá bố mẹ tốt và từ đàn con tốt cuả cặp cá bố mẹ đó. Cá bố mẹ tốt là cá bố mẹ đạt đầy đủ điều kiện về mặt sức khỏe, màu sắc và hoa văn cũng như tính trạng vây đuôi (cả cá mẹ cũng phải đạt yêu cầu).

Cặp cá bố mẹ phải được nuôi trong điều kiện tốt, nuôi riêng và chỉ thụ tinh trong giai đoạn ghép cặp. Khi ghép cặp cá mái phải từ 4-6 tháng tuổi và ôm trứng đầy đủ, đã trải qua ít nhất 1 lần sinh sản thành công.

Cá đực phải từ 4-6 tháng tuổi, khi ghép cặp cá đực đã lên đầy đủ hoa văn và màu sắc, tình trạng sức khỏe tốt và đã qua ít nhất 1 lần ghép cặp sinh sản thành công.

– Lưu ý chế độ dinh dưỡng tốt ở đây là chế độ nuôi cá kết hợp sử dụng thức ăn tươi và thức ăn khô, đa dạng hóa khẩu phần. Vì cá 7 màu là loài ăn tạp nên việc sử dụng đa dạng hóa thức ăn giúp cá phát triển toàn diện. Chế độ ăn tốt nên thực hiện 3 bữa một ngày. Môi trường nuôi tốt bao gồm các yếu tố về chất lượng nước giàu oxy, có luân chuyển và ổn định về độ ph, nhiệt độ.

– Sau khi đã chọn cá bố mẹ ưng ý cần đưa cá vào sống chung để thụ tinh. Bể nuôi được dùng thụ tinh cần có môi trường giống như bể nuôi riêng để đảm bảo vấn đề sức khỏe của cá bố mẹ. Nên lưu ý bể nuôi ghép cặp nên có kích thước không quá lớn cũng không quá nhỏ để việc thụ tinh được dễ dàng tiến hành (thường thích hợp với bể 30×30),  nên sử dụng các loại rong rêu để tạo môi trường giúp cá hoạt động tự nhiên.

Có thể cho cá nhìn thấy nhau để làm quen trước khi thả chung bể. Quá trình thụ tinh thường kéo dài từ 7 đến 10 ngày. Người nuôi có thể chủ động quan sát đánh giá cá đực để biết tình trạng thụ tinh có đảm bảo hay không.

Cần lưu ý để mực nước trong bể thụ tinh thấp từ 15-20 cm đề phòng trường hợp cá mái bị ép quá mức có thể nhảy ra ngoài (có thể vớt cá đực ra sớm nếu cá đực ép quá xung để đảm bảo sức khỏe cho cá mái). Sau đó có thể tách cá mái ra bể riêng để nuôi thúc dinh dưỡng cho quá trình mang thai hoặc sử dụng chính bể đã dùng thụ tinh để nuôi dưỡng cá và làm bể sinh sản cho cá luôn (tránh được việc xảy thai do cá mái shock vì chuyển bể).

Cá đực sau khi thụ tinh cho cá mái cũng cần được bồi dưỡng hồi phục sức khỏe. Sau 10 ngày có thể sử dụng cá đực để thụ tinh cho cá mái khác. Cá mái sau sinh sản cần được dưỡng từ 15 đến 30 ngày tùy cá thể và sức khỏe của cá, sau khi ôm trứng lại có thể tiếp tục thụ tinh.

– Cá mái sinh sản có thể sử dụng lồng đẻ hoặc cho nhiều rong để có chỗ cho cá con trốn. Lý tưởng nhất là bể có rong tạo vi sinh để dưỡng cá mẹ và cá con, đồng thời vẫn sử dụng lồng đẻ để đảm bảo cá mẹ không ăn cá con, số lượng cá con được bảo toàn nhiều nhất.

Lồng đẻ có thể được chế tạo bằng lưới để cách lý cá mẹ và cá con. Khi cá mẹ sinh sản nên được để ở không gian yên tĩnh và không bị làm phiền. Nên hạn chế việc cá mẹ sinh sản do shock đẻ vì thay nước hoặc shock các yếu tố khác.

– Sau khi sinh sản cá mái thường rất yếu, có thể chờ từ 2-3 ngày mới vớt cá con cùng với 1 lượng nước thích hợp trong bể ra bể khác (không nên vớt cá mẹ). Cá con cần mực nước thấp, giàu oxy và có mặt thoáng rộng để dễ dàng tìm thức ăn. Cá con 2 -3 ngày tuổi đã có thể ăn thức ăn tươi. Tùy khả năng hồi phục của cá mẹ mà sau từ 7 tới 10 ngày có thể vớt cá mẹ về bể dưỡng chung với đàn cá mái.

– Cá giống con có thể tiến hành lựa chọn từ đàn cá con thứ 2 và đàn con thứ 3 của cặp cá bố mẹ đã được chọn. Để giảm tình trạng thoái hóa gene do giao phối gần ở cá giống có thể tiến hành việc chọn con giống từ nhiều đàn con từ các cặp cá bố mẹ khác nhau.

– Đàn cá dùng để chọn giống từ nhỏ phải được nuôi theo chế độ tách đàn theo kích cỡ, thường từ khoảng 1 tháng đến 1,5 tháng cần tiến hành theo dõi và tách đàn và chuyển bể một lần. Nguyên tắc tách đàn là lựa chọn những con lớn vượt trội hơn những con còn lại nuôi riêng, đồng thời tách mái nuôi riêng.

Nguyên tắc chuyển bể là cá càng lớn càng cần có không gian rộng để có thể phát triển nhanh, không phải tranh giành thức ăn và không phải đánh nhau vì thiếu không gian sống. Việc tách đàn chuyển bể tiến hành tùy thuộc vào số lượng của đàn cá, tỉ lệ phân chia đực mái khi đến tuổi, dựa vào tốc độ lớn của cá con mà tiến hành cho thích hợp.

– Cách nuôi cá con: Thường thì cá con cần ưu tiên các loại thức ăn tươi để chúng nhanh chóng tăng trưởng. Từ tuần thứ 2 hoặc tuần thứ 3 tùy vào kích thước và tốc độ lớn của cá con nên tiến hành cho cá con ăn thức ăn khô kết hợp. Cá con đặc biệt mẫn cảm với sự ô nhiễm của nguồn nước và thay đổi nhiệt độ đột ngột. Sự ô nhiễm nước là nguyên nhân chính khiến cá con bị vẹo lưng, cụp đuôi, nấm, bỏ ăn và chết. Nguy cơ lớn nhất trong việc nuôi cá con là thức ăn thừa làm ô nhiễm nước và nhiệt độ lạnh, thay đổi đột ngột làm cá con shock chết. Nuôi cá con cần chú ý phòng bệnh hơn chữa bệnh vì thường cá con đã bệnh là không thể cứu được.

– Thức ăn tươi thường dùng: trứng tôm tươi, artemia, bobo, trùn chỉ, sâu đỏ đông lạnh…

– Thức ăn khô thích hợp: tomboy, tảo spirulina, aquafin, thức ăn dùng để nuôi tép cảnh…

* Ưu điểm của phương pháp này:

– Việc thực hiện nuôi riêng các bố mẹ và thụ tinh theo cặp giúp người nuôi dễ dàng kiểm soát được hệ gene di truyền của các đời cá về sau. Việc lai cải thiện dòng, lai chéo hoặc lai ngược có thể tiến hành và kiểm soát dễ dàng. Chất lượng cá được đảm bảo cao.

– Phương pháp này đặc biệt rất có ích đối với những người theo đuổi việc lai tạo, theo dõi quy luật di truyền của các tính trạng màu sắc, hoa văn, kiểu vây đuôi có gắn liền với các tính trạng giới tính cá hay không.

– Việc tách riêng cá trống, mái giúp dễ dàng tuyển chọn các cá thể trống có chất lượng tốt nhất để di truyền cho đời sau. Cá mái được nuôi riêng sẽ không bị thụ tinh sớm, tạo điều kiện tốt cho việc ôm được bụng trứng lớn, chất lượng trứng tốt, đảm bảo cho việc sinh sản ra đời con tốt. Việc mái được nuôi riêng cũng giúp chúng thư giãn tối đa vì không bị cá trống đuổi ép thụ tinh, việc dưỡng thai được thuận lợi. Đồng thời cá mái không bị thụ tinh sớm giúp cơ thể cá mái hoàn thiện về mặt sức khỏe, đảm bảo tránh được các vấn đề về nguy cơ hậu sản.

* Nhược điểm:

– Điều kiện để thực hiện nó có thể làm nản lòng những người đam mê nhất.

– Rất vất vả nếu áp dụng quy trình này cho việc nuôi cá số lượng lớn và đa dạng dòng.

* Thực tế: Ở Việt Nam hiện nay đa phần người chơi 7 màu thường kết hợp phương pháp nuôi cá bố mẹ chung, thụ tinh ngẫu nhiên rồi vớt cá mái ra cho đẻ khi đến kì sinh sản… Vì vậy đa số mọi người quan tâm đến các dấu hiệu để có thể phân biệt được cá mái nào sắp sinh sản để có thể cách ly kịp thời nhằm bảo toàn số lượng cá con. Một số dấu hiệu cơ bản của cá mái sắp lên bàn đẻ như sau. Dấu hiệu chung là cá mái thường bơi chậm hơn, nặng nề, trốn vào khu vực riêng (tách khỏi đàn, có thể là trốn vào chỗ tối, kín hoặc bơi ở 1 chỗ riêng trên mặt nước), một số cá mái trở nên dữ hơn bình thường, đánh đuổi các cá khác đến gần nó, gần đến thời điểm sinh thì phần hậu môn cá sẽ mở rộng và hơi lòi ra ngoài tương đối nhiều so với bình thường. Đối với cá RREA :Cá mái bụng bầu lớn, có nhiều đốm đỏ lớn sẫm màu trong khoang bụng, một số trường hợp nhìn kĩ còn có thể quan sát thấy cá con hoặc mắt cá con trong bụng cá mẹ. Đối với cá mắt đen thì thường chỉ nhìn thấy có nhiều đốm to đen. Riêng cá see thru thì có thể nhìn trực tiếp size cá con trong bụng cá mẹ, căn cứ thời gian mang thai của cá mẹ gần 1 tháng có thể tách ra chờ sinh sản.

Bài viết này là sự tổng hợp những gì mình đã học hỏi được từ các tài liệu khác, thấy mọi người thực hiện và cả dựa trên trải nghiệm thực tế của mình.

Các cao thủ có ý kiến xin cứ vào đóng góp để mọi người cùng có chung những phương pháp nuôi cá tốt nhất.

Xin lưu ý đây không phải là phương pháp duy nhất. Phương pháp nuôi cá chung đàn không tách riêng cũng có những ưu điểm khác, điển hình như việc cá con khi sinh ra đã trải qua chọn lọc tự nhiên khắt khe, phải đấu tranh sinh tồn để quyết định sự sống…

Trên đây chỉ là những cách thức sử dụng trong điều kiện lý tưởng thôi, thực tế thì tùy vào điều kiện của mọi người mà áp dụng hihi.

0772.27.01.20