Xử lý khí độc Amoniac NH3 trong bể nuôi – Nền móng của nghề nuôi trồng thủy sản
Như đã hứa với các bạn, để đáp lại sự nhiệt tình ủng hộ của các bạn dành cho mình và mong muốn chân thành lan tỏa những điều có ích trong cộng đồng một cách thuần túy Khoa học, hôm nay mình sẽ viết về chủ đề được mạnh danh là NỀN MÓNG CỦA NGHỀ NUÔI TRỒNG THỦY SẢN. Hi vọng sau khi nắm được vấn đề, các bạn sẽ có cái nhìn tổng quát hơn đồng thời nhìn rõ được bản chất các cách thức xử lý môi trường nuôi thủy sản.
Thực trạng: Tất cả mọi người khi mong muốn đạt kết quả tốt trong nghề nuôi trồng, nhiệm vụ đầu tiên luôn luôn là xử lý môi trường nước. Thức ăn thừa, các chất bài tiết qua mang, phân, xác động vật, thực vật, phiêu sinh vật chưa kể các kim loại nặng, hóa chất độc hại tồn dư, rồi phải làm sao để tạo được môi trường tối ưu cho các quá trình sinh trưởng thủy sản luôn là nổi ám ảnh không có hồi kết. Các bạn trẻ mặc dù đam mê đi lên từ phong trào nhưng gặp nhiều khó khăn khi muốn tìm hiểu, vì lạc vào một ma trận thông tin bạt ngàn không biết bắt đầu từ đâu.
Vì lĩnh vực Xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản rất rộng lớn, cấu thành từ rất nhiều vấn đề đòi hỏi tốn rất nhiều thời gian và giấy mực. Nên bài viết này mình chỉ đi vào chủ đề hẹp, nhưng nó quan trọng nhất và thực sự là nền móng, đó là CHU TRÌNH NITRAT HÓA.
Tại sao vấn đề cần quan tâm đầu tiên lại xoay quanh nguyên tố Ni-tơ? Ni-tơ đại diện cho Protein – Đạm, và Protein – Đạm là thứ trực tiếp sinh ra loại khí độc Amoniac NH3 là thứ giết nhiều cá nhất từ trước cho đến nay cả trực tiếp lẫn gián tiếp.
Cơ chế gây độc của Amoniac NH3: Amoniac NH3 do các loại vi khuẩn phân giải đạm trong chất thải sinh ra, NH3 tan trong nước và chuyển hóa thành ion Amonium NH4+, chất này ở hàm lượng cao gây ngộ độc cấp tính chết cá hàng loạt do chúng ngăn cản sự hô hấp lấy oxy trong máu của các tế bào, ở hàm lượng thấp hơn ion NH4+ gây suy giảm mạnh sức đề kháng của cá, tạo điều kiện cho các bệnh cơ hội khác như các loại nấm và khuẩn bệnh bùng phát mạnh. Bài toán đặt ra là phải khử được Amoniac NH3, đây là một yếu tố thiết yếu sống còn trong nghề nuôi trồng thủy sản.
Để xóa sổ được NH3 có rất nhiều cách, tùy từng điều kiện nuôi trồng khác nhau của mỗi người mà tùy nghi áp dụng.
Cách 1: Đơn giản là thay nước thường xuyên để đưa các chất thải, chất cặn bã trong đó có NH3 liên tục ra khỏi bể. Cách này có ưu điểm là không đòi hỏi cao về kỹ thuật, không tốn các chi phí khác cho vận hành lọc, rất phù hợp cho các bạn có nguồn nước dồi dào và thời gian để làm công việc thay nước hàng loạt. Cách làm này đòi hỏi các bạn phải có kiến thức nhất định về xử lý nước cân bằng khoáng chất, áp suất thẩm thấu, ph, nhiệt độ, khử kim loại nặng, đa vitamin,… và nó có nhược điểm lớn nhất là thiếu sự hiện diện của một hệ vi sinh phát triển ổn định và đầy đủ kéo theo một loạt hệ quả khác như vi sinh sinh ra các chất áp chế nấm, khuẩn bệnh, vi sinh phân giải các chất dinh dưỡng giúp cá dễ hấp thụ, vi sinh cạnh tranh với các loại mầm bệnh thông qua cơ chế giành hết thức ăn và oxy, chưa kể nhiều loại vi sinh còn ảnh hưởng mạnh đến quá trình sinh hóa sinh trưởng của con cá kèm nhiều vấn đề khác… Mình không khuyên nên dùng hay không nên dùng cách này, vì điều đó là tùy thuộc vào điều kiện hoàn cảnh và quan trọng nhất là sự hiểu biết của mỗi người.
Cách 2: Gây màu nước, sử dụng tảo. Đây là cách mà các Trại cá nuôi số lượng lớn ngoài trời thường dùng, tận dụng cơ chế hấp thu trực tiếp NH3/NH4+ của tảo. Tảo là thực vật nhưng lại có cơ chế giống vi khuẩn, tảo ở khắp mọi nơi trong nước và tảo trực tiếp ăn NH3/NH4+ rồi lưu giữ chúng trong tế bào dưới dạng Đạm – Protein. Vấn đề này mình chỉ nói sơ qua và tổng quát vì để đi sâu vào thì phương pháp này rất rộng đòi hỏi phải am hiểu nhiều kỹ thuật như phân loại các giống tảo, gây tảo, kiểm soát mật độ tảo, xử lý tảo khi gặp sự cố, chưa kể độ kiềm hệ đệm, độ khoáng…v.v… Ưu điểm: tốn ít chi phí, hiệu quả cao, chưa kể sử dụng tảo kết hợp với phát triển hệ vi sinh mang rất nhiều lợi ích cho tôm, cá tránh được nhiều loại bệnh tật, phù hợp với kiểu nuôi số lượng lớn… Khó khăn: đòi hỏi bạn phải là một người kỹ sư thủy sản thực sự am hiểu nhiều vấn đề trong lĩnh vực, đòi hỏi nhiều chất xám để ứng phó liên tục với các biến đổi khắc nghiệt của khí hậu liên tục ngoài trời.
Mời các bạn tìm hiểu thêm Phần 2: Chu trình Nitrat hóa
Nguồn: Bài viết của anh Lê Tiến Hùng (Hung Xíchna) – Hội mua chung đồ nuôi trồng thủy sản cho cá cảnh, thủy sinh
Đây là những kiếng thức Guppy Nhật Minh tìm hiểu trên internet. Và Mong các bạn đóng góp ý kiến để Guppy có thêm nhiều kiến thức để chia sẽ với mọi người hơn.
Chân thành cảm ơn quý khách hàng đã dành thời gian đọc tìm hiểu.