Phần 4: Thực trạng các chất xử lý nước hiện có trong giới cá cảnh, thủy sinh và giải pháp
Bản chất thành phần hóa học của các sản phẩm xử lý nước chơi thủy sinh hoặc nuôi cá cảnh nói chung và Guppy nói riêng hiện có trên thị trường
Dạo quanh một vòng thị trường các sản phẩm xử lý nước chơi thủy sinh, cá cảnh hiện có phổ biến ở Việt Nam hầu hết đều là hàng ngoại nhập với một số cái tên nổi tiếng như Nuphar Liquid Bacter, Seachem Prime, API Stress Coat… Tất cả đều có những chức năng tương tự nhau như khử hàm lượng clo, clorine tồn dư, khử phèn, khử kim loại nặng, khử kháng sinh, khử các hóa chất độc hại trong nước, khử các khí độc như Amoniac, Nitrit hay Hydro Sulfua, chống shock, chống tụt nhớt cho cá khi về môi trường mới, không ảnh hưởng đến hệ vi sinh… Các sản phẩm này qua kinh nghiệm sử dụng thực tế của mình thì mình cũng đánh giá khá tốt và hiệu quả. Nó có ưu điểm rút ngắn được rất nhiều thời gian và công sức để xử lý khi cá về môi trường mới, khi thay nước hoặc kết hợp với khi chữa bệnh… Nhưng mình luôn băn khoăn như nhiều bạn khác từng băn khoăn, là bên trong nó chính xác có chất gì, tại sao người ta lại không ghi thành phần hóa học, chắc chắn là người ta giữ bí mật công thức để kinh doanh, điều này có thực sự đứng đắn hay không? Và theo các quy định của Pháp luật Việt Nam cụ thể là theo Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa được Chính Phủ ban hành ngày 14 tháng 04 năm 2017, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 06 năm 2017 sẽ thay thế cho Nghị định 89/2006/NĐ-CP về nhãn hàng hóa. Thì việc không ghi rõ thành phần của sản phẩm cho dù là sản xuất trong nước hay nhập khẩu đều là VI PHẠM PHÁP LUẬT, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người tiêu dùng. Chưa kể các yếu tố khác về trốn thuế, gian lận kinh doanh… Chúng ta cần kịch liệt lên án các hành động như trên.
Và rồi với thắc mắc như vậy, mình đã cất công đi hỏi các kỹ sư, người nuôi trồng thủy sản đặc biệt là trong lĩnh vực nuôi tôm (thật sự cám ơn các anh chị em bạn bè nuôi tôm đã giúp đỡ mình trong thời gian vừa qua), và mình đã tìm ra được sự thật. Các sản phẩm trên có các thành phần chính là các chất sau đây:
EDTA – Ethylene Diamine Tetraacetic Acid; Sodiumthiosulfate; Sodium Lauryl Sulfate… Đây là các loại hóa chất dùng để khử các loại kim loại nặng tồn lưu trong nước, giảm độ cứng nước, cân bằng độ ph, độ kiềm của nước, khử các độc tố khi nước nhiễm các chất diệt khuẩn như Clo, Clorine, Đồng Sunphat, khử phèn, khử các loại khí độc như Amoniac, Nitrit, Hydro Sulphua, giảm độ nhờn trong nước, giảm váng bọt, làm lắng tụ các chất cặn bã, kết tủa các chất lơ lửng làm trong nguồn nước, tiêu hủy các độc tố do tảo và phiêu sinh vật chết phân hủy hàng loạt. Chống shock cho tôm cá khi thời tiết thay đổi đột ngột hoặc mưa lớn kéo dài. Các chất này không ảnh hưởng đến động vật thủy sinh lẫn động vật trên cạn mà ngược lại còn kích thích vi sinh vật, tảo và thực vật phát triển, rất an toàn với hệ vi sinh. Vì thành phần có chất có tính axit nên các bạn cần cẩn thận mang găng tay khi pha chế và sử dụng, tuyệt đối không để bắn vào mắt, tuyệt đối tuân thủ hoàn toàn Hướng dẫn sử dụng.
Đối với các bạn dùng nước máy, tuy nước máy đã được nhà máy nước xử lý khống chế hàm lượng các kim loại nặng để dùng cho sinh hoạt con người nhưng nồng độ Clorine tồn dư rất cao, đây là giải pháp để khử Clorine trong nước máy ngay lập tức có thể sử dụng ngay, không phải mất thời gian phơi nắng hay sủi oxy,..
Đối với các bạn dùng nước giếng, đây thực sự là cứu cánh vì nước giếng rất hay bị nhiễm phèn và các loại kim loại nặng có thể làm cá chết vì shock ngộ độc cấp tính, đánh vào sử dụng ngay được luôn.
Đối với các bạn dùng nước sông hoặc nước ao hồ, những nguồn nước này hay bị nhiễm độc bởi xác chết hàng loạt của tảo và phiêu sinh vật, ngoài ra còn dễ nhiễm các loại thuốc trừ sâu bảo vệ thực vật, hoặc bị đục do các chất hữu cơ lơ lửng, ô nhiễm do xả thải,… đây cũng là giải pháp.
Thậm chí, đối với các bạn dùng nước biển (mình đang nói rộng ra nuôi trồng thủy sản nói chung), thì với tình trạng ô nhiễm hiện nay, nước biển rất dễ bị nhiễm độc thì đây cũng là giải pháp.
Nói tóm lại, đây thực sự là cứu cánh cho bất cứ ai nuôi trồng thủy sản với chi phí quá hợp lý, thật đáng tiếc khi giới chơi cá cảnh – thủy sinh chúng ta không sớm biết được điều này mà phải phụ thuộc vào các sản phẩm ngoại nhập không bao giờ ghi rõ công thức thành phần.
Vậy, tìm mua các sản phẩm như vậy ở đâu? Hãy đến ngay các cửa hàng bán thức ăn, thuốc, vật tư nuôi trồng thủy sản ở gần bạn nhất, một thế giới đồ chơi cực xịn cho các bạn từ từ khám phá, đây là các sản phẩm phổ biến và dễ tìm, giá thành rất hợp lý. Mình có thể giới thiệu cho các bạn tham khảo một số sản phẩm mà dân nuôi tôm đã dùng từ lâu như sau: Siren, Toxin, Aqua Clean-UV,… Chỗ mình thấy mua tiện lợi nhất là Aqua Clean của Vemedim. Hãy Google để biết thêm chi tiết, các bạn nhớ đọc kỹ thành phần và hãy tạo thói quen tìm hiểu các thành phần có trong sản phẩm.
LƯU Ý, HẾT SỨC LƯU Ý: Các sản phẩm trên đều siêu tiết kiệm với dân Guppy nhưng nó đều ở dạng siêu đậm đặc vì chủ yếu được sản xuất để phục vụ nuôi trồng thủy sản ở quy mô công nghiệp hàng nghìn m3 (mét khối) nước. Vì vậy, các bạn phải có kiến thức về cách tính chia liều lượng. Tuyệt đối, không được áng bằng mắt đánh vào hồ, mà phải cân đo đong đếm chính xác đến từng gam hoặc ml một. Rất dễ quá liều, một khi quá liều cá chết mình tuyệt đối không chịu trách nhiệm, đó hoàn toàn là do bạn không chịu đọc kỹ Hướng dẫn sử dụng và tính toán kỹ.
Ví dụ: trên sản phẩm ghi dùng 1 lít cho 1.000 m3 nước, vậy tức là tương đương 1ml cho 1m3 nước. Các bạn dùng 1ml này pha loãng ra 1 lít nước cất hoặc nước lọc RO, thì 1 lít dung dịch pha chế này dùng được cho 1.000 lít nước cần xử lý, tương đương 100ml dung dịch pha chế dùng cho 100 lít nước. Hoặc tính bằng gam, thì các bạn phải đem cân tiểu ly ra mà đo, ví dụ dùng 100gam cho 1.000m3 nước, thì 1 gam xài cho 10m3 nước, các bạn thấy không 1gam nó cực kỳ ít (cỡ ¼ muỗng sữa chua bột), mà các bạn
áng đại là chết mình rồi, cá không chết mới là lạ, vì chỉ từng đó thôi dùng cho hồ Guppy cỡ 100 lít nước cũng là quá liều hàng chục lần. Mình nhắc đi nhắc lại một lần nữa là hãy cố gắng cân đo đong đếm thật chính xác, bằng cân tiểu ly, bằng các bình, cốc có ghi dung tích, pha chế với nước cất hoặc nước đã lọc qua máy RO,… Đừng đọc không kỹ rồi đổ cho Tiến Hùng này là chỉ bậy các bạn. Mình từng mất đi một người bạn vì chuyện tương tự, anh ấy đã không đọc kỹ HDSD mà áng bằng mắt táng thẳng vô hồ, vài phút sau cá nổi lềnh phềnh. Vậy là mình làm ơn mắc oán. Với các bạn trẻ có nền tảng kiến thức khoa học tự nhiên tốt thì mình không lo lắm, mình chỉ lo một số bạn hiểu và tính toán một cách mù mờ, đó sẽ là thảm họa, các bạn nên nhờ sự hỗ trợ của các bạn am hiểu tính toán khoa học tự nhiên nhé.
Phần tiếp theo mình sẽ viết về các sản phẩm đa vitamin, đa khoáng nên kết hợp dùng với các sản phẩm xử lý nước để chống stress, chống shock khi mới thả cá, hoặc khi thời tiết thay đổi đột ngột,… Các bạn đón đọc nhé. Lưu ý lại giùm mình một lần nữa cần tuyệt đối cẩn thận cách tính chia liều lượng.
Nguồn: Bài viết của anh Lê Tiến Hùng (Hung Xíchna) – Hội mua chung đồ nuôi trồng thủy sản cho cá cảnh, thủy sinh.
Đây là những kiếng thức Guppy Nhật Minh tìm hiểu trên internet. Và Mong các bạn đóng góp ý kiến để Guppy có thêm nhiều kiến thức để chia sẽ với mọi người hơn.
Chân thành cảm ơn quý khách hàng đã dành thời gian đọc tìm hiểu.