Phần 3: Cấu tạo, nguyên lý của 1 hệ thống lọc tuần hoàn nước – Recirculating Aquaculture System (RAS)

Cấu tạo, nguyên lý của 1 hệ thống lọc tuần hoàn nước – Recirculating Aquaculture System (RAS)

Qua một thời gian dài theo dõi phong trào Guppy tại Việt Nam, cá nhân mình nhận định phải đến tận 90% người chơi đều thiết lập sai hệ thống lọc do chưa hiểu bản chất cơ chế sinh hóa lý, thậm chí có nhiều người chơi lâu năm đã ra những bộ cá rất đẹp có giá trị cao cũng gặp phải những lỗi này và cứ gặp hiện tượng cá cứ đến kích cỡ trưởng thành chuẩn bị xuất bán lại chết hàng loạt mà không hiểu thực sự nguyên nhân tại sao. Ở phần này mình sẽ đi sâu vào phân tích nguyên lý lọc, đề nghị các bạn đọc kỹ nắm rõ nền móng là Chu trình Nitrat hóa ở 2 phần trước, đó là cái cốt tủy, luôn luôn phải lấy nó làm gốc, là bổ đề là chân lý thì luôn luôn đúng ở bất cứ ở đâu và khi nào.

Mình nhắc lại một lần nữa nguyên lý chung của mọi hệ thống lọc tuần hoàn nước nuôi trồng thủy sản (Recirculating Aquaculture Systems – RAS) đó là: Đưa dòng nước giàu Oxy và các chất hữu cơ (đặc biệt là Amoniac/Amonium NH3/NH4+) đi qua lớp vật liệu lọc là giá thể cho hệ vi sinh phát triển (nhất là vi sinh Nitrat hóa) để khử các chất độc hại trong nước thông qua chức năng phân giải của các chủng vi sinh.

Nước trong hệ thống lọc tuần hoàn nước tuần tự đi qua các bước sau đây:

– Bước 1: Nước phải được làm giàu Oxy;

– Bước 2: Nước trước hết bắt buộc phải đi qua lớp lọc thô (thường là bông xốp, mút xốp, bông lọc, jmat,…) để giữ lại các cặn bẩn có kích thước lớn. Đây là điểm chí mạng mà người chơi Guppy hay mắc phải, vì sao vậy?

Vì nếu không giữ được các cặn bẩn kích thước lớn lại ở lớp này thì lớp vật liệu lọc tiếp theo sẽ bị bít kín và trở nên vô dụng. Đọc đến đây chắc chắn nhiều bạn ngớ người ra vì cách tự chế bộ lọc vi sinh của mình đã sai ngay từ đầu vì các bạn làm luồng nước lại đi qua lớp vật liệu lọc trước rồi mới đi qua bông lọc. Chưa kể một cách sai phổ biến hơn là các bạn ngâm vật liệu lọc như sứ lọc, nham thạch, sứ lỗ,… trực tiếp trong bể, các loại vật liệu lọc này sẽ nhanh chóng bị bít kín bởi cặn bẩn và trở nên vô dụng do nước không thể lưu thông vào bên trong lòng vật liệu lọc nơi đáng lý ra là nơi ở của rất nhiều vi sinh. Cách này thậm chí còn làm chất thải tích tụ vào đó càng ngày càng nhiều trong khi cá càng lớn càng đến kích cỡ trưởng thành thì ăn càng nhiều/thải phân càng nhiều nhưng đồng thời sức đề kháng lại yếu đi (so với cá con). Vậy là BÙM, công sức bao tháng trời của bạn đến ngày hái lượm đổ sông đổ bể do một cơn dịch chỉ vì một lỗi ngớ ngẩn đến như vậy. Thậm chí với cách thiết lập lọc kiểu Taiwan mà không có lớp bông xốp bên trên đễ giữ lại cặn thô mà cho nước đi thẳng vào lớp đá/vật liệu lọc cũng thực sự là một cơn ác mộng. Lỗi này không chỉ thường gặp ở những người mới chơi mà còn xuất hiện cả ở những người chơi lâu năm. Tuy chơi Guppy và chủ yếu dùng lọc vi sinh, nhưng các bạn nên dành thời gian ngắm nghía quan sát các hệ thống lắng, lọc vách của hồ cá koi, lọc tràn của cá vàng, cá rồng,.. hay lọc của dân chơi thủy sinh, người ta nắm rất kĩ điều này nên lúc nào cũng phải có một lớp lọc cặn thô thật chất bằng các loại mút xốp, tất cả loại lọc đó đều có cùng nguyên lý với cái lọc vi sinh mà các bạn đang xài. Người Đài Loan hiểu rất rõ nguyên lý nên người ta chế ra cái lọc Qanvee QS 100A và 200A rất hiệu quả và có tính thẩm mỹ cao, tuy nhiên giá thành nó rất đắt nếu dùng hàng loạt. Mình mong muốn các bạn sau khi đã hiểu nguyên lý có thể tự thiết kế riêng và tự làm cho mình bộ lọc mà các bạn cảm thấy hiệu quả nhất.

Đến đây mình phải lưu ý các bạn thêm 1 điều này, nếu các bạn không theo trường phái chơi thủy sinh lên thực vật dày đặc và hệ vi sinh thật xịn, mà chủ yếu là nuôi Guppy để sinh sản số lượng, thì tuyệt đối không nên rải nền. Vì sao vậy? Vì cái nền một là nơi mà khí Oxy hòa tan ở đó rất thấp tạo môi trường yếm khí dễ phát sinh các loại khí cực độc như Hydro Sulfua (H2S) có mùi trứng thối, khí này độc gấp hơn khoảng 100 lần Amoniac NH3 và chỉ một ít sự xuất hiện của nó cũng đủ làm cho đàn cá của bạn đổ cống. Hai là cái nền là nơi tích tụ thức ăn thừa, phân cá… đó là môi trường lý tưởng cho mầm bệnh trú ngụ chờ bùng phát.

– Bước 3: Nước tiếp theo sau khi đã được loại bỏ cặn thô sẽ chảy qua lớp vật liệu lọc, đây là bước quan trọng nhất đòi hỏi các bạn phải am hiểu nhiều vấn đề. Định nghĩa vật liệu lọc là gì? Vật liệu lọc là bất cứ thứ gì có thể làm nơi cho vi sinh trú ngụ, từ miếng bông xốp như một số loại lọc vi sinh phổ biến trong giới Guppy (chỉ có bông xốp thôi) hoặc cục gạch, cục đá bình thường cho đến những loại vật liệu lọc phổ biến khác như nham thạch, than tổ ong, sứ lọc… và bây giờ còn xuất hiện nhiều loại siêu vật liệu lọc khác đến từ giới chơi thủy sinh như Seachem Matrix, Eheim Substrat Pro, Neo Media,… Có thể nói gần như là bất cứ thứ gì cũng có thể trở thành vật liệu lọc, nhưng chúng khác nhau ở điểm nào? Đó là diện tích bề mặt tiếp xúc (surface area) – nói nôm na là khả năng chứa vi sinh. Diện tích bề mặt tiếp xúc càng lớn thì càng chứa được nhiều vi sinh hơn, các loại vật liệu lọc được thiết kế càng rỗng, càng có nhiều lổ nhỏ li ti ở cả bề mặt ngoài lẫn bên trong lòng nó thì càng có diện tích bề mặt tiếp xúc càng lớn – càng tải được nhiều vi sinh hơn – càng tối ưu hơn cho quá trình phân giải các chất bẩn nói chung và quá trình nitrat hóa nói riêng. Nhiều bạn sẽ bị bất ngờ khi biết Kaldness (loại vật liệu lọc làm bằng nhựa dùng phổ biến xử lý lọc hồ koi) có diện tích bề mặt tiếp xúc lớn gấp khoảng 10 lần nham thạch, sứ lỗ; Biochip (cũng giá thể bằng nhựa) có diện tích bề mặt tiếp xúc gấp 3 lần Kaldness; và Matrix có diện tích bề mặt tiếp xúc gấp 100 lần Biochip, tức là Matrix tốt gấp hơn khoảng 3.000 lần các loại sứ lọc, nham thạch (các bạn đã hiểu tại sao giá của Matrix không rẻ chưa?). Viết đến đây, nhiều bạn sẽ chạy đi tìm kiếm những loại vật liệu lọc có diện tích bề mặt tiếp xúc thật lớn. Nhưng mình phải lưu ý các bạn tiếp một vấn đề, Matrix hiện nay đang được giới chơi thủy sinh đồng ý là loại vật liệu lọc tốt nhất trong khi có rất nhiều loại vật liệu lọc khác có diện tích bề mặt tiếp xúc lớn hơn Matrix nhiều lần. Tại sao vậy? Tại vì cái gì tốt quá thì trở thành không tốt, nếu các lỗ li ti nhỏ quá thì không một lớp lọc thô nào trước đó có thể giữ được các hạt cặn bẩn có kích thước nhỏ đến như vậy, nó làm đóng bít vật liệu lọc lại sau một thời gian sử dụng. Còn Matrix thì không, nước vẫn dễ dàng chảy qua bên trong lòng nó sau thời gian dài sử dụng. Chưa kể Matrix còn không bị hao mòn theo thời gian và còn tối ưu nhất cho quá trình khử Nitrat (cái này là một Chuyên đề phụ, từ từ có dịp mình sẽ viết). Mình không viết bài này để quảng cáo cho Seachem Matrix nhưng mình thành thật khuyên các bạn nếu có điều kiện hãy xài nó cho Guppy theo đúng nguyên lý.

– Bước 4: Nước đi ra khỏi bộ lọc đã được khử sạch hoặc giảm thiểu các độc tố, trong khi mang đầy các chất có ích cho quá trình sinh trưởng Guppy – là sản phẩm sau khi xử lý của các loại vi sinh như một số loại enzyme, vitamin hoặc kháng sinh sinh học tự nhiên…

Bây giờ, các bạn đã nắm được bản chất và nguyên lý hoạt động của một hệ thống lọc tuần hoàn nước nói chung hay chính cái lọc bio mà bạn đang xài cho Guppy nói riêng chưa? Nếu chưa đề nghị đọc đi đọc lại nhiều lần, chậm và kỹ bài viết của mình để thẩm thấu từ từ vì mình biết thực sự nó mang một khối lượng lớn thông tin và cách viết của mình có xu hướng dùng nhiều từ ngữ chuyên môn sinh hóa nên làm khó cho sự tiếp thu đối với một số bạn. Phần tiếp theo mình sẽ viết về công dụng của một số chủng vi sinh theo mình nghĩ là rất thiết yếu và khuyên các bạn nên dùng cho Guppy. Hẹn các bạn tiếp ở phần sau./.

Phần 4: Thực trạng các chất xử lý nước hiện có trong giới cá cảnh, thủy sinh và giải pháp

Nguồn: Bài viết của anh Lê Tiến Hùng (Hung Xíchna) – Hội mua chung đồ nuôi trồng thủy sản cho cá cảnh, thủy sinh.

Đây là những kiếng thức Guppy Nhật Minh tìm hiểu trên internet. Và Mong các bạn đóng góp ý kiến để Guppy có thêm nhiều kiến thức để chia sẽ với mọi người hơn.

Chân thành cảm ơn quý khách hàng đã dành thời gian đọc tìm hiểu.

 

0772.27.01.20