Site icon Cá Bảy Màu – Guppy Nhật Minh

Phần 12: Tổng hợp các nguyên nhân làm cá bệnh và chết khi trời mưa, cách giải quyết.

Tổng hợp các nguyên nhân làm cá bệnh và chết khi trời mưa, cách giải quyết.

Trời mưa làm giảm nhiệt độ đột ngột vượt quá ngưỡng chịu đựng của con cá: Đối với loài cá nhỏ yếu, cận huyết nhiều như Guppy theo kinh nghiệm của mình nếu nhiệt độ tụt đột ngột 3, 4 độ sẽ làm con cá như bị cảm lạnh đột ngột, bắt đầu lắc, tụt nhớt, suy giảm sức đề kháng, tạo cơ hội cho các mầm bệnh tấn công. Ngoài ra, khi nhiệt độ giảm thì sức tiêu thụ thức ăn của con cá cũng giảm, nhiệt độ cũng ảnh hưởng mạnh đến hệ vi sinh, các loại lợi khuẩn trong bể, khi chúng giảm hoạt động là cơ hội cho các mầm bệnh bùng lên. Cách giải quyết: các bạn phải xem xét lại về vật liệu làm hồ nuôi, ví dụ hồ kính biến thiên nhiệt độ rất nhanh nhưng lại dễ dàng quan sát cá, thùng xốp thì hạn chế biến thiên nhiệt độ rất tốt nhưng hạn chế về mặt quan sát, hồ xi măng xây trên đất cũng hạn chế tăng/giảm nhiệt độ đột ngột rất tốt… Ngoài ra còn có các biện pháp che chắn, tránh gió lùa, gió tạt, giảm cho ăn khi trời mưa, tăng cường sử dụng các chế phẩm vi sinh… Tùy theo hoàn cảnh để xử trí.

– Trời mưa làm tụt PH đột ngột:

+ Ở các hồ nuôi ngoài trời, nước mưa rơi trực tiếp vào hồ, nước mưa hòa tan rất nhiều khí Cacbon Dioxit (CO2) đến mức bão hòa, lúc đó PH của nước mưa đo được là 5,6 sẽ làm tụt PH trong hồ rất nhanh. Chưa kể với các loại khí thải ra trong hoạt động sống của con người hiện nay như khí thải xe cộ, khí thải sản xuất công nghiệp,… Các khí này có gốc lưu huỳnh khi hòa tan với nước mưa sẽ tạo ra Axit Sulfuric có PH khá thấp sẽ làm gia tăng thêm tình trạng. Chưa kể khi PH tụt thì tính gây độc của khí độc như H2S (sinh ra trong điều kiện đáy bùn yếm khí) tăng lên nhiều lần. Ngoài ra tụt PH còn làm giảm sút ngay hoạt động của hệ tảo và vi sinh, tảo + vi sinh sẽ chết hàng loạt gây thối nước và không còn ai xử lý các loại khí độc, mưa còn hòa tan rất nhiều các loại bụi bẩn trong không khí nhất là các cơn mua đầu mùa. Cách giải quyết: vì đây là hình thức nuôi của một số ít các bạn làm trại cá số lượng cực lớn, yêu cầu nền tảng các bạn có kiến thức chuyên môn khá sâu rồi nên mình chỉ viết sơ qua, ví dụ như tăng độ kiềm, thiết lập hệ đêm, chạy oxi đáy ao, xi phông đáy, đánh diệt khuẩn, đánh Probiotics phân hủy xác tảo, xác vi sinh vật, ngừng cho ăn, chạy lại hệ vi sinh,…

+ Ở các hồ nuôi trong nhà hoặc được che chắn kỹ không có hiện tượng nước mưa rơi trực tiếp vào hồ thì ở những nơi mật độ dân cư cao, ô nhiễm bởi khí thải vẫn có hiện tượng hơi ẩm trong không khí hòa tan các loại khí độc, sau đó khuếch tán vào trong hồ làm giảm PH đột ngột. Cách giải quyết: các bạn nên tìm cách tránh luồng gió lùa, gió tạt, nghiên cứu các cách tăng PH an toàn chỉnh PH về 7 như dùng Baking Soda, dung dịch tăng PH,… giảm cho ăn, tăng cường chế phẩm vi sinh để thiết lập lại Hệ vi sinh bị xáo trộn.

– Trời mưa làm giảm Oxy hòa tan đột ngột: Ở các hồ nuôi ngoài trời khi mưa, hệ tảo, vi sinh vật và sinh vật phù du giảm hoạt động làm giảm sinh Oxy, ngoài ra nước mưa bão hòa khí CO2 rơi vào cũng làm giảm mạnh nồng độ Oxy hòa tan. Cách giải quyết: sục khí Oxy đều khắp hồ, tránh hiện tượng phân tầng nước do nước mưa, có hệ thống xả nước mưa ra khỏi bề mặt…

– Trời mưa tạo ra các tiếng ồn rất lớn: Điều này làm cá rất sợ hãi và stress, chúng có xu hướng rúc xuống đáy để chạy trốn, đó là nơi khí Oxy hòa tan thấp, dễ phát sinh các loại khí độc và nhiệt độ lạnh. Ở các bể nuôi trong nhà, ví dụ tiếng mưa đập trên mái tôn làm con cá rất hoảng sợ, bơi loạn xạ, rúc đáy và búng khỏi mặt nước…

– Không khí ẩm sau mưa kích thích gia tăng mật độ của các loại nấm, hại khuẩn trôi nổi đầy khắp trong không khí. Khi chúng tăng cường khuếch tán vào hồ cá sẽ có hiện tượng tiết rất nhiều nhớt để tránh sự tấn công của hại khuẩn/nấm, nhưng đến một mức độ nào đó cá sẽ nhanh chóng bị yếu đi và bị hại khuẩn/nấm tấn công gây hiện tượng chết hàng loạt, có khi chỉ sau 1 đêm (các bạn đọc lại Phần 10 để hiểu cơ chế nhé). Cách giải quyết: các bạn có thể thay nước để giảm mật độ khuẩn hại/nấm khuếch tán vào hồ, sau đó có thể dùng các chế phẩm sinh học Probiotics để làm tăng mật độ lợi khuẩn chống lại hại khuẩn/nấm, kết hợp cho cá nhịn ăn trong vòng 1-2 ngày để hạn chế nguồn thức ăn cho mầm bệnh, dùng thêm các sản phẩm nâng cao sức đề kháng, chống stress như đa vitamin, đa khoáng… Ngoài ra một số bạn nuôi theo trường phái dùng muối có thể dùng muối để sát khuẩn và kích thích con cá tăng tiết nhớt chống lại hại khuẩn cũng rất hiệu quả. Tuy nhiên hiện nay các cuộc thi Guppy Thế giới người ta đều không cho phép sử dụng muối để dưỡng cá, nên các bạn nuôi Guppy bằng muối nếu có ý định đi ra Quốc tế nghiên cứu lại quy trình nuôi nhé.

Mình có điểm qua một số yếu tố như vậy, chúc các bạn nhanh chóng thoát khỏi tình trạng cá chết do trời mưa. Chúc VNGA chúng ta ngày một phát triển.

Nguồn: Bài viết của anh Lê Tiến Hùng (Hung Xíchna) – Hội mua chung đồ nuôi trồng thủy sản cho cá cảnh, thủy sinh.

Đây là những kiếng thức Guppy Nhật Minh tìm hiểu trên internet. Và Mong các bạn đóng góp ý kiến để Guppy có thêm nhiều kiến thức để chia sẽ với mọi người hơn.

Chân thành cảm ơn quý khách hàng đã dành thời gian đọc tìm hiểu.

Exit mobile version