Site icon Cá Bảy Màu – Guppy Nhật Minh

Những Vấn Đề Thường Gặp Khi Nuôi Cá Bảy Màu Tại Việt Nam

Những vấn đề thường gặp khi nuôi cá bảy màu tại Việt Nam.

Cá 7 màu là loài cá được cộng đồng chơi thừa nhận là rất mẫn cảm đối với môi trường và các loại bệnh tật. Những người chơi cá 7 màu thường gặp phải tình trạng cá chết hàng loạt do bệnh hoặc thay đổi thời tiết đột ngột.

Đối với những người mới chơi thì tình trạng cá ra đi mà không kịp nói lời từ biệt ngay từ khi mới mua về là rất phổ biến.

Bài viết này nhằm mục đích giúp mọi người, mà đa số là những người mới chơi cá 7 màu có thể tránh được tình trạng này với những hướng dẫn cơ bản.

Trước hết phải khẳng định rằng có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng tới sức khỏe của cá 7 màu, bài viết này chỉ xin đề cập tới một số yếu tố mà tôi cho là quan trọng và thường gặp ở mức độ kinh nghiệm, không mang yếu tố chuyên sâu, đối với cá 7 màu ở Việt Nam: Môi trường nước, thức ăn, nhiệt độ và tâm lý của cá 7 màu.

Môi trường nước:

Đối với đa phần người chơi cá 7 màu thì việc xác định độ ph của môi trường nuôi là một việc làm quá cầu kì và mang tính lí thuyết. Vì thế tôi sẽ không đề cập đến nó. Với tư cách một người chơi cá dân dã, câu hỏi mà tôi muốn đặt ra và trả lời ở đây là: nguồn nước như thế nào được coi là phù hợp để có thể nuôi cá 7 màu phát triển tốt? Câu trả lời của tôi cũng dựa trên đánh giá mang tính cảm quan. Một nguồn nước được cho là phù hợp với cá 7 màu sẽ đáp ứng các tiêu chuẩn: không có màu sắc, mùi vị lạ, nước trong ( không đặc, sánh), không bị yếm khí, không có các yếu tố gây bệnh có thể nhìn thấy bằng mắt thường (điển hình là sán…), đạt sự cân bằng về các yếu tố oxy (có thể bơm oxy trực tiếp vào nước trước khi sử dụng hoặc trong quá trình nuôi cá sử dụng máy sủi khí loại nhẹ) và hệ vi sinh.

Trong các yêu cầu về chất lượng nước thì khó khăn nhất với người chơi ở Việt Nam là tạo hệ vi sinh, làm giàu oxy và làm trong nước (thật ngạc nhiên là nhiều người chơi không quan tâm đến việc làm trong nước và tạo hệ vi sinh).

Một số thắc mắc:

+ Nước cần phải không có váng trên bề mặt: Câu trả lời là không cần thiết, vì chỉ cần nước giàu oxy thì quá trình hô hấp của cá được đảm bảo.

+ Cần cho muối vào nước: không bắt buộc, dù muối có 2 tác dụng cơ bản là diệt khuẩn cho nước và sát trùng vết thương nếu cá bị thương, ngoài ra có thể diệt nấm khi cá bị bệnh nấm trắng. Vấn đề muối với nguồn nước xin được bàn cụ thể ở phần sau của bài viết.

+ Sử dụng lá bàng khô ngâm trong nước: không bắt buộc, có tác dụng phòng bệnh, nhược điểm có thể tạo ra màu sắc lạ cho nước.

– Rất nhiều người chơi cá 7 màu ở Việt Nam (và cả các loại cá khác) cho rằng muối giống như 1 loại thần dược đối với cá cảnh. Thực tế nhiều người chơi cá 7 màu ở Việt Nam đã sử dụng muối rất tốt trong việc nuôi dưỡng cá 7 màu. Như tôi đã nói ở trên, tác dụng của muối rất tốt, đặc biệt là tác dụng phòng bệnh. Cách làm rất đơn giản là cho 1 ít muối vào hồ nước sao để diệt mầm bệnh có hại trước khi cho cá vào hồ nước.

– Nhiều người chơi cá 7 màu ở Việt Nam sẵn sàng chỉ ra nhiều ưu điểm khác và bảo vệ phương pháp này.

– Tuy nhiên tôi đã từng thực hiện phương pháp này, nhiều lần nó có tác dụng và cũng từng đó lần tôi phải gánh chịu hậu quả là nhìn những con cá mà mình yêu quý ra đi. Từ đó tôi rút ra những kinh nghiệm cơ bản sau:

+ Việc sử dụng muối cho nguồn nước nuôi cá 7 màu phải hết sức thận trọng: Liều lượng muối phải phù hợp, nếu không cá của bạn sẽ thành cá muối.

+ Những đối tượng cá nào có thể sử dụng muối cho vào môi trường nuôi: Nên áp dụng với cá trưởng thành từ 2-3 tháng tuổi trở nên và phải đang khỏe mạnh. Điều này có nghĩa cá con mới đẻ thì vẫn có thể dùng nước muối với liều lượng thấp. Tôi nhấn mạnh sử dụng với cá đang khỏe mạnh bởi vì với các trường hợp cá đang yếu, bệnh ngoài da hoặc bị thương, nước muối bên cạnh tác dụng diệt khuẩn, diệt nấm trắng còn có 1 tác dụng phụ khủng khiếp đó là làm tụt nhớt trên cơ thể cá. Lớp nhớt bao quanh cơ thể có tác dụng hết sức quan trọng đối với cá 7 màu, mất đi nó thì cá của bạn cầm chắc cái chết. Một vấn đề khác đối với cá đang bệnh ngoài da, bị thương hoặc nấm đó là muối quá liều sẽ khiến cá bị xót, dẫn tới shock và chết thê thảm (biểu hiện là cụp đuôi, lắc, cháy đuôi vây và ra đi).

+ Cách sử dụng nước muối hợp lý cho cá 7 màu: khi cá của bạn bị bệnh nấm trắng hoặc bị thương, bị bệnh ngoài da. Bạn có thể pha một dung dịch nước muối với nồng độ thấp (cá 7 màu nhỏ và yếu nên không bao giờ dùng nồng độ cao), nguồn nước sử dụng cùng chất lượng và điều kiện như nước trong bể (không nên dùng nước bể nuôi nếu bể có mầm bệnh, có thể dùng nếu cá bị thương do đánh nhau). Tiến hành vớt cá nhẹ nhàng để không làm shock cá, ngâm trong dung dịch muối từ 5 đến 10 phút sau đó trả lại cá vào bể. Với các trường hợp bị nấm trắng hoặc bệnh ngoài da nếu có điều kiện nên cách ly cá bệnh, kết hợp sử dụng máy sưởi (mua từ vài chục đến hơn 100K/1 cái) để nhiệt độ 30-32 độ liên tục cho đến khi cá hết bệnh. Nếu không có điều kiện tách riêng thì bạn vẫn nên sử dụng sưởi cho cả đàn cá, như vậy thì cá sẽ sớm khỏi bệnh. Nếu đàn cá của bạn không có thói quen sống với nước có pha muối, khi chúng bị bệnh thì việc cân nhắc sử dụng muối nên thận trọng.

+ Trong một số trường hợp cá biệt nước mối có tác dụng ổn định tâm lý, dưỡng cá.

– Việc tạo hệ vi sinh, làm trong nước và làm nước giàu oxy thường được kết hợp thực hiện chung bằng cách sử dụng hệ thống lọc nước kết hợp sủi khí. Vấn đề này thực chất không đơn giản như bạn nghĩ. Rất nhiều người đầu tư một hệ thống lọc đắt tiền, sủi khí và cắm sưởi 24/24h nhưng đàn cá 7 màu vẫn chết. Nguyên nhân nằm ở mức độ cân bằng và ổn định của môi trường nước.

– Sai lầm đầu tiên của người mới chơi cá 7 màu là cho rằng hệ thống lọc nước và điều kiện nuôi đó là hoàn hảo vì trước đó họ đã sự dụng bể nuôi thành công các loài cá khác. Hay có nhiều người suy nghĩ 1 cách đơn giản rằng cá 7 màu là loài cá dễ tính dựa trên kinh nghiệm thực tiễn áp dụng với việc nuôi các loài cá 7 màu phổ thông mua ngoài tiệm, cửa hàng. Thật sự cá 7 màu không phải là loài dễ nuôi, tuy rằng nó cũng không phải là loài cá quá khó tính. Việc các dòng cá 7 màu phổ thông (thường gọi là 7 màu chợ) thường có tỉ lệ sống sót cao khi người chơi mua về có thể được lý giải như sau: Bản thân dòng cá đó có sức sống tốt và được nuôi dưỡng chuyên nghiệp, đồng thời những cá thể này đã trải qua quá trình đào thải rồi ( chúng bị đóng gói chung, vận chuyển với số lượng lớn về các đại lý, sau đó được phân phối tới các cửa hàng mất từ 1 tới vài ngày, suốt quá trình đó những cá thể yếu đã chết, những con còn sống và tới tay người mua đương nhiên đã được chọn lọc ngẫu nhiên rất kĩ về sức khỏe).

– Thực tế việc nuôi cá 7 màu không bắt buộc phải sử dụng hệ thống lọc mới có thể tạo ra được nguồn nước tốt. Nhiều người chơi cá vẫn lựa chọn cách nuôi cá không sử dụng hệ thống lọc mà chỉ dùng các nguyên liệu tạo vi sinh hoặc làm nơi trú ẩn cho vi sinh, thả trực tiếp vào bể( các loại rong, bèo, cây thủy sinh, nham thạch, gốm, sứ lọc…), kết hợp sủi không khí và thay nước theo ngày hoặc tuần, chế độ thay nước thường áp dụng tùy vào tuổi và số lượng của đàn cá, tuy nhiên thường không thay quá 50% lượng nước trong bể. Nhiều trường hợp không sử dụng bất cứ nguyên liệu nào nhưng trong nguồn nước có sẵn hệ vi sinh tốt thì vẫn có thể nuôi cá 7 màu tốt :), ví dụ bể nước để lâu ngày…

– Tuy nhiên không phải ai cũng có đủ thời gian để thực hiện việc thay nước như vậy, nhất là nuôi cá với số lượng lớn, sử dụng nhiều bể. Thực tế một số loại lọc phù hợp cho cá 7 màu được ưa chuộng tại Việt Nam bao gồm: lọc vi sinh, lọc chế bằng cách chia tách bể ra làm nhiều ngăn lọc và các loại lọc ngoài từ đơn giản cho tới cao cấp. Việc thay nước vẫn được khuyến khích đối với các bể sử dụng lọc, nếu như bạn không muốn bể cá của bạn trở thành một cái hồ nước lưu cữu tanh ngòm, còn lũ cá của bạn thì giống như bọn ở bẩn cả năm không tắm . Vậy thì hệ thống lọc nước như thế nào là đảm bảo cho cá 7 màu?

– Lọc vi sinh là loại lọc rẻ tiền, có thể tự làm hoặc mua và được coi là phù hợp với tất cả cá 7 màu và tất cả mọi kích cỡ bể (công suất lọc và dung tích bể phải tương ứng). Nó đặc biệt thích hợp với các loại bể trống, chỉ sử dụng nuôi cá 7 màu và không dùng để trang trí. Nhược điểm của nó chính là thẩm mỹ nếu bạn có ý định trưng bày hồ cá ở phòng khách. Lọc vi sinh hoàn toàn đáp ứng được về vấn đề nước trong và tạo hệ vi sinh tốt cho cá. Lọc vi sinh cần được sử dụng kết hợp với sủi khí.

– Đối với lọc chế dính liền bể hoặc các loại lọc ngoài, điều kiện bắt buộc là bạn phải có nhiều loại vật liệu lọc và cần ít nhất là 2 ngăn lọc thì mới có thể tạo đủ hệ vi sinh cho nước. Đây là điều mà đa phần người mới chơi cá 7 màu không quan tâm hoặc không biết, dẫn đến kết quả là chất lượng nước lọc không đạt độ trong cũng như hệ vi sinh không đáp ứng được yêu cầu. Một điều hết sức lưu ý đó là tốc độ lưu chuyển của dòng nước do máy bơm tạo ra và hướng lưu chuyển của dòng chảy này phải điều chỉnh hợp lý nhằm đáp ứng việc lọc được các chất bẩn mà không ảnh hưởng đến cá. Nhiều người chơi cá 7 màu sử dụng lọc tạo ra chất lượng nước rất tốt, nhưng dòng nước quá mạnh khiến cho cá 7 màu gặp khó khăn trong việc di chuyển, kiếm ăn, nghỉ ngơi và các hoạt động khác của chúng vì thế mà bị hạn chế. Kết quả là cá yếu dần, chết do bị căng thẳng và suy nhược. Lọc ngoài hoặc lọc chế thường tạo ra được nguồn nước đảm bảo đủ oxy nên không cần thiết phải kết hợp sủi không khí

Nhiệt độ:

– Có lẽ bất cứ ai chơi cá 7 màu thì đều ít nhất một lần thấy cá của mình bị bệnh nấm trắng. Bệnh nấm trắng có 3 nguyên nhân gây ra là nhiệt độ thay đổi đột ngột (thường là giảm đột ngột từ 4-5 độ trở lên) và thứ 2 là do môi trường nước quá ô nhiễm, thứ 3 là do lây nhiễm từ cá bị bệnh. Bệnh này được cho là dễ chữa vì chỉ cần duy trì nhiệt độ nước ở mức 30-32 độ và giữ nước sạch, thay nước đều là có thể chữa khỏi.

– Chơi cá 7 màu thì cần hết sức chú ý đến vấn đề nhiệt độ của môi trường nuôi. Cá 7 màu có thể sống mà không bị bệnh tật gì trong điều kiện nhiệt độ từ 20 đến 32 độ. Thực tế trong điều kiện mùa đông tại Hà Nội, tôi đã nuôi những chú cá RREA red lace với nhiệt độ sưởi là 22 độ, cá vẫn sinh trưởng và sinh sản tốt. Mùa hè thì cá 7 màu không nên để ngoài sân mà không che chắn gì, vì bạn sẽ có 1 nồi cá luộc.

– Điều tối quan trọng là giữ cho mức độ biến thiên nhiệt độ trong môi trường nuôi cá chỉ ở mức dưới 5 độ. Tôi từng chứng kiến những bạn nuôi cá 7 màu tại Sài Gòn vào mùa mưa, khi nhiệt độ trời nắng ban ngày là 33-35 độ, trải qua một vài cơn mưa lớn kéo dài ban đêm nhiệt độ có thể xuống dưới 30 độ, đàn cá ngay lập tức bị bệnh nấm trắng.

Thực tế việc nhiệt độ tăng không làm ảnh hưởng nhiều tới cá 7 màu bằng nhiệt độ giảm, trừ trường hợp tăng quá nhiều và quá đột ngột, tăng trên 35 độ hoặc tăng kết hợp giảm liên tục.

Thức ăn:

– Cá 7 màu là loài ăn tạp nên chế độ ăn tốt nhất cho cá là chế độ ăn hỗn hợp. Các loại thức ăn được ưa chuộng sử dụng tại Việt Nam là: artemia, trùn chỉ (giun), sâu đông lạnh, artemia khô, trứng tôm, trứng tép, bobo (hồng trần)…. Thức ăn khô tổng hợp: aquafin, thức ăn khô dùng để nuôi tép, cám công nghiệp, tomboy, tảo sprirulina…

– Điều cần lưu ý khi cho cá ăn đó là không dùng thức ăn đã hỏng, không để thức ăn thừa làm ô nhiễm nước. Khắc phục vấn đề này bằng cách cho ăn từng phần, sau khi ăn tiến hành hút thức ăn thừa ra ngoài hoặc sử dụng lọc chất lượng tốt để hạn chế ô nhiễm, thay nước…

– Trong trùn chỉ và bobo đôi khi có lẫn các nguồn bệnh như sán nên nếu có điều kiện nên tiến hành lọc, khử trùng thức ăn trước khi cho ăn (một số bạn sử dụng tetra để khử trùn chỉ, bobo thì tiến hành lọc).

Tâm lý của cá 7 màu:

– Shock tâm lý có lẽ là cụm từ thường gặp nhất đối với những người chơi cá 7 màu ở Việt Nam. Các trường hợp cá 7 màu bị cụp vây, cháy đuôi, lắc người, co giật và có hành động bất thường, bỏ ăn… đa phần được kết luận là shock tâm lý. Vậy thì đâu là nguyên nhân dẫn đến hậu quả cá 7 màu bị shock tâm lý?

– Nguyên nhân phổ biến nhất gây shock tâm lý cho cá 7 màu chính là vấn đề thay đổi môi trường. Nếu coi đây là 1 loại bệnh, thì bệnh này là một trong những bệnh nghiêm trọng và khó chữa nhất của cá 7 màu. Nói là nghiêm trọng vì cá chỉ bị shock khi sự thay đổi môi trường (thường là sự thay đổi của tất cả các yếu tố nhiệt độ, chất lượng nước) đã vượt quá ngưỡng chịu đựng của cá.

– Bệnh này loại nhẹ thì là do cá bị sợ hãi hoặc do đánh nhau trong đàn (tranh giành thức ăn, tranh giành cá mái…). Nếu người nuôi chỉ cần chú ý quan sát hoạt động của một đàn cá, luôn có sự tranh giành thức ăn và tranh giành địa vị trong đàn. Các vụ xung đột nhỏ là không tránh khỏi. Những cá thể sinh sau đẻ muộn thường là chịu thiệt nhất trong đàn, đặc biệt là trong trường diện tích nuôi quá chật hẹp và điều kiện thức ăn không đầy đủ. Hiện tượng những con cá yếu bị bỏ đói, suy dinh dưỡng và bị shock tâm lý, kiệt sức chết là khá thường gặp. Cũng có những trường hợp khác cá 7 màu được nuôi chung với các loại cá lớn hoặc có tập tính hung dữ thì việc chúng chết vì shock tâm lý nặng là dễ hiểu. Ở Đà Nẵng cá 7 màu có tên gọi là cá Hòa Lan và được cộng đồng ở đây sử dụng để làm cá đá. Vì vậy việc cho số lượng lớn cá 7 màu vào chung trong một không gian hẹp không bao giờ là một ý kiến hay, trừ khi bạn muốn được thấy chúng xâu xé lẫn nhau.

– Những người nuôi cá chung trong một bể lớn bao gồm nhiều thế hệ cá cũng bắt gặp tình trạng số lượng cá con bị giảm dần do bị cá lớn đánh. Giai đoạn cá con bắt đầu trưởng thành và tìm kiếm một địa vị trong đàn cá có thể là lúc mà người nuôi phải chứng kiến sự suy giảm nhiều nhất đối với bầy cá con bởi vì lúc này sự cạnh tranh giữa chúng diễn ra khốc liệt nhất.

– Các trường hợp thường gặp cá bị shock nặng nhất thường phát sinh do việc thay đổi chủ nhân của cá, mà đa phần là do quá trình vận chuyển không được thực hiện tốt hoặc do quá trình đưa cá vào bể mới không được làm tốt. Thường việc chữa shock tâm lý cho cá là rất khó khăn nên đa phần người chơi cá 7 màu hướng tới việc chú trọng thực hiện tốt quy trình vận chuyển và hòa nhập bể mới cho cá.

– Một số lời khuyên cơ bản dựa trên kinh nghiệm cá nhân:

+ Khi vận chuyển cá cần lưu ý số lượng cá trong 1 túi, không gian và lượng nước dành cho mỗi cá thể phải phù hợp với kích cỡ và thể trạng của chúng, không để chung các dòng cá có kích cỡ chênh lệch, nên tách riêng trống mái khi vận chuyển. Lý tưởng nhất là 1 cá thể/ 1 túi.

+ Đảm bảo cá không bị thiếu oxy trong khi vận chuyển.

+ Cố gắng hạn chế sự thay đổi nhiệt độ trong suốt quá trình vận chuyển cá.

+ Hạn chế tối đa các tác động bên ngoài làm cá hoảng sợ: quá trình bắt cá nhanh, nhẹ nhàng, hạn chế sóc, va đập khi vận chuyển, nên để cá trong tối khi vận chuyển.

+ Môi trường mới: cố gắng tạo môi trường tương ứng tối đa với môi trường cũ: có thể xin nhiều nước của bể cũ để mang theo, chú ý đến nhiệt độ của bể cũ…

+ Có thể cho nước mới vào từ từ trong nhiều giờ để cá có thời gian thích nghi với điều kiện môi trường mới.

+ Cá về bể mới nên hạn chế việc tiếp xúc với con người, ánh sáng mạnh, các nguồn gây shock khác, tạo chỗ ẩn nấp cho cá, có thể thả cá cùng dòng để tạo đàn, giúp cá nhanh hòa nhập…

– Một khi cá của bạn đã xuất hiện những triệu chứng tâm lý bất ổn, nếu được phát hiện và hỗ trợ kịp thời thì khả năng cá hồi phục tương đối cao. Việc cá có thể hồi phục hay không phụ thuộc rất nhiều vào sự chuẩn đoán nguyên nhân gây shock có chính xác hay không. Vì có rất nhiều nguyên nhân gây shock cho cá, chỉ cần bạn chẩn đoán sai nguyên nhân và đưa ra nhầm phương pháp hỗ trợ sẽ dẫn đến hậu quả chính phương pháp của bạn làm cá bị shock nặng hơn và dẫn đến hậu quả thay vì chỉ có 1 vài cá thể bị shock ban đầu thì cuối cùng cả đàn cá của bạn đều bị shock. Quan điểm nuôi cá của tôi là chú trọng phòng bệnh hơn chữa bệnh và đòi hỏi cao ở năng lực tự chống chịu ở cá 7 màu. Tuy nhiên tôi cũng xin đưa ra 1 vài góp ý cơ bản để chữa shock cho cá 7 màu:

+ Cố gắng cách ly và áp dụng việc dưỡng cá theo cá thể: việc này nhằm đảm bảo không gây ảnh hưởng gì tới những cá thể khỏe mạnh còn lại trong đàn và tạo môi trường cơ bản, ít tiếp xúc để cá có điều kiện nghỉ ngơi hồi phục sức khỏe.

+ Xác định chính xác nguyên nhân gây shock cho cá: thường cá bị shock sẽ do 1 số nguyên nhân kết hợp liên quan đến môi trường và nhiệt độ. Việc tìm được nguyên nhân sẽ có 2 mục đích là nhằm phòng ngừa shock cho cá khỏe và tìm phương pháp dưỡng cá thích hợp cho cá bị shock.

+ Lựa chọn phương pháp dưỡng cá: tôi không ủng hộ quan điểm dùng thuốc, tuy nhiên nhiều người vẫn áp dụng hiệu quả, lời khuyên của tôi ở đây là cố gắng tạo ra môi trường ổn định tương đồng về nhiệt độ và chất lượng nước mà cá đang sống ngay trước khi có các tác động gây shock xuất hiện, đồng thời hạn chế cho ăn.

Từ những phân tích trên, tôi xin đưa ra lời khuyên ngắn gọn và dễ hiểu nhất đó là giữ cho cá có được sự ổn định, như vậy cá sẽ luôn khỏe 🙂

Trên đây chỉ là những ý kiến mang tính cá nhân.

Mong nhận được thêm nhiều góp ý quý báu của mọi người.

Exit mobile version