Phần 11: Thủ thuật hỗ trợ các ca sinh khó trên Guppy (chửa trâu, khó đẻ, tắc đẻ,…)

Thủ thuật hỗ trợ các ca sinh khó trên Guppy (chửa trâu, khó đẻ, tắc đẻ,…)

Cũng như nhiều bạn cùng chung niềm đam mê, mình cũng đã từng trải qua cảm giác vui sướng, tự hào khi những em mái Guppy mà mình sở hữu béo khỏe, ôm bầu rất to, hứa hẹn một kết quả đặc hồ cá con với một tương lai đầy màu hường rằng chỉ tầm 2 tháng nữa thôi đàn cá con sẽ lớn lên và mang về những khoản thu nhập lớn. Nhưng cái kết là một cơn ác mộng khi cá mái đã có dấu hiệu chuyển dạ, đau quằn quại nhưng không chịu sinh, để rồi qua một đêm sáng hôm sau các bạn phải vớt xác cá mái với cái bụng to đùng, mổ ra là một đống cá con đã chết. Cái cảm giác đó đau xót và hụt hẫng đến tận cùng khi vừa từ niềm vui sướng của thiên đường tụt xuống hố sâu đau khổ của địa ngục. Những chú cá cưng mà bạn đã từng đặt rất nhiều niềm tin và hi vọng, tự tay chăm chút từng ly từng tý một, ngắm chúng với một niềm thích thú và say mê, nay đã nằm đó không thở, người đã chuyển nhợt nhạt, đuôi túm lại, sinh mạng đã bị thần chết lấy đi, để lại một vết sẹo hằn lên trong tâm hồn bạn trong một sự tiếc nuối không có giới hạn.

Vì đã trải qua cảm giác kinh hoàng đó. Nay bằng kinh nghiệm tổng hợp bấy lâu nay về vấn đề xử lý các ca khó đẻ kèm với phản hồi khá tốt từ nhiều bạn mình đã bày cho phương pháp này từ trước, mình viết bài viết này với mong muốn đóng góp một điều gì đó có ích cho cộng đồng, mong ở tương lai sẽ có được thật nhiều sinh mạng được cứu sống, nếu các bạn thấy hay và có ích hãy giúp mình lan tỏa bài viết này nhé:

  1. Các trường hợp dễ xảy ra hiện tượng khó đẻ/tắc đẻ trên Guppy.

Theo kinh nghiệm và sự quan sát của mình, thì những em mái tơ chưa sinh nở lần nào, được nuôi rất tốt, béo khỏe, ngay lần đầu đã ôm bầu rất nhiều trứng thì dễ xảy ra hiện tượng tắc đẻ ở lần sinh đầu tiên, nếu không biết cách hỗ trợ các bé í vượt qua lần đầu tiên này thì nguy cơ tử vong mẹ và con là rất cao. Nếu vượt qua lần đầu tiên này, theo sự quan sát và thống kê của mình thì ở các lần sau có thể không cần dùng dụng cụ hỗ trợ nữa, quá trình sinh nở sẽ xảy ra dễ dàng hơn nhiều, điều này khá giống với con người các bạn ha. Ngoài ra còn một số trường hợp khác như cá mẹ thể lực yếu, đã bị nhiễm bệnh, hoặc bị sợ hãi, stress do âm thanh, ánh sáng, hoặc sự đe dọa của cá khác hoặc không tìm được chỗ an toàn để sinh con thì cũng dễ bị tắc đẻ.

Dấu hiệu để nhận biết cá mái đã đến lúc chuyển dạ.

Vấn đề này đã có nhiều người chia sẻ kinh nghiệm, và mình chắc chắn nhiều bạn cũng đã biết rồi, nhưng mình vẫn viết lại để cho các bạn chưa biết nắm. Cá mái khi mang bầu đến một hôm đột ngột bỏ ăn, nép góc hoặc tìm một chỗ kín đáo trú ẩn, bụng vuông lại, thấy rõ mắt cá con, đốm đen hoặc đốm đỏ (trên các dòng albino) tụt xuống hậu môn, nước bắt đầu có mùi tanh do dịch trong ống dẫn trứng của cá mái tiết ra. Các bạn cần quan sát kỹ các yếu tố trên để xác định cá mái đã đến lúc chuyển dạ hay chưa, kẻo nhầm lẫn với việc ăn no nép góc nằm một chỗ để tiêu hóa (bụng cũng vuông do ăn no) và để tránh hiện tượng tách cá mái quá sớm gây sinh non hoặc xả trứng. Chịu khó quan sát kỹ vài lần các bạn sẽ nhanh chóng nhìn được con cá gần đẻ. Việc này thì hơi khó cho các bạn nuôi hồ xi măng hoặc khay nhựa, vì chỉ quan sát được từ trên xuống.

III. Dấu hiệu nhận biết cá mái bị khó đẻ/tắc đẻ

Khi đã xuất hiện đầy đủ các dấu hiệu chuyển dạ, kèm việc cá mái quằn quại như cong lưng, vặn người liên tục, hoặc bơi loạn xạ, bơi chúi đầu xuống đáy rồi lại bơi lên trên mặt nước lặp đi lặp lại trong tầm 30 phút đến 1 tiếng đồng hồ, thì đó là dấu hiệu rất rõ ràng của hiện tượng tắc đẻ/khó đẻ. Lúc này chúng ta phải can thiệp ngay lập tức.

Thủ thuật hỗ trợ khó đẻ/tắc đẻ

Đầu tiên bạn phải có lồng đẻ hỗ trợ như sau:

Ảnh 1: lồng đẻ hỗ trợ

Cái lồng đẻ này thì khá dễ làm và dễ tùy biến lại cho phù hợp hoàn cảnh của mỗi người, các bạn không xài hồ kính có thể thay núm hít bằng dây buộc hoặc treo móc, cái này là tùy nha các bạn. Mình chỉ lưu ý làm mắt lưới để cá con lọt xuống nên chọn loại vải lưới mềm, không cứng và mảnh như cái loại lưới xanh xanh mắt nhỏ nhiều người dùng, nếu để ý các bạn thấy loại đó có một sợi rất mảnh nó có thể gây chẻ đuôi làm cá mái bị thương.

Bước tiếp theo, sau khi chuẩn bị xong xuôi, các bạn vớt cá mái đang có dấu hiệu tắc đẻ/khó đẻ vào, làm sao cho NƯỚC VỪA CHỈ ĐỦ NGẬP HẾT LƯNG CÁ MÁI, các bạn nhớ nha, kéo lồng đẻ lên cao cho NƯỚC VỪA CHỈ ĐỦ NGẬP HẾT LƯNG CÁ MÁI, nhưng không có phần nào nhô lên khỏi mặt nước (tránh phần đó bị khô nhớt gây nhiễm trùng). Sau đó quây kín lại thật tối, yên tĩnh và kiên nhẫn chờ đợi. Mục đích của phương pháp này là:

  1. Tăng áp lực lên ổ bụng của cá mái bằng chính trọng lượng cá mái trong mức độ an toàn cho phép. Mình nhận ra điều này sau 1 lần dùng vợt nano vớt cá mái đang có dấu hiệu tắc đẻ và nó đã phụt cá con ra, chứng tỏ việc tác động lực theo phương thẳng đứng từ dưới lên như vậy là có hiệu quả. Ngoài ra, nhiều trường hợp mình quan sát các bạn chơi trồng cây thủy sinh và có nuôi Guppy, để ý khi sắp sinh đẻ cá mái nó thường chọn rúc vào rong, bèo sát mặt nước, thậm chí lá sen, lá súng để dễ ép cá con ra hơn, chứng tỏ đây là tập tính bản năng tự nhiên của chúng.
  2. Giúp con cá không mất sức phình bong bóng để bơi và nổi. Nếu các bạn có thể hình dung ra giải phẫu bên trong khoang bụng cá mái, thì sẽ thấy khi bầu to các loại nội tạng và bong bóng bị chèn ép khá nhiều, cá mái sẽ tốn sức để bơm hơi vào bong bóng nhằm mục đích để nổi lên càng làm tăng áp lực chèn ép cực kỳ nguy hiểm, nếu bị chèn ép nặng sẽ có hiện tượng cá cắm đầu xuống đáy, đít chổng lên trời và bơi loạn xạ, nếu vỡ nội tạng là xong phim.
  3. Giúp con cá an thần, không tốn sức bơi loạn xạ và hoảng loạn do đã bị quây lại trong không gian hẹp, tối và yên tĩnh, không bị những con cá khác quấy rầy hay cảm giác cá con bị đe dọa sẽ tạo cho nó cảm giác an toàn.
  4. Mức độ hòa tan oxy ở sát mặt nước rất cao giúp con cá dễ dàng thở hơn rất nhiều

Một số bạn không nuôi bể kính, không chế được lồng đẻ cũng có thể vớt cá mái ra và để nước thật thấp vừa chỉ đủ ngập hết lưng (mình nhắc lại một lần nữa không được có phần nào nhô lên tránh hiện tượng bị khô rồi nhiễm trùng), che lại thật tối và yên tĩnh thì cũng cải thiện được khá tốt hiện tượng tắc đẻ/khó đẻ.

Một số bạn nuôi trại số lượng lớn, hay quây cá giống lại trong một khu thì nên sử dụng các loại rong, bèo làm sao cho hỗ trợ cho tập tính tự nhiên của Guppy là rúc vào rong bèo sát mặt nước để dễ đẻ hơn. Tuy nhiên nếu sử dụng rong, bèo nên đề phòng hiện tượng lây truyền mầm bệnh hoặc ký sinh trùng, ốc hại từ rong bèo.

Bài viết đến đây là kết thúc, nguyện cho những sinh linh bé nhỏ và tuyệt diệu này không còn bị hiện tượng tắc đẻ/khó đẻ nữa. Ngoài ra để tạo ra sự may mắn cho bản thân, các bạn hãy đối xử có phần nào đó bình đẳng, không nên ném các bé tật/lỗi cho cá lớn/cá dữ ăn nhé, các bạn có thể kiếm chỗ nào thủy sinh thật nhiều, môi trường tốt để thả vào hoặc chia lại cho các anh em muốn chăm sóc chúng. Chúc càng bạn ngày càng thành công với niềm đam mê Guppy.

Nguồn: Bài viết của anh Lê Tiến Hùng (Hung Xíchna) – Hội mua chung đồ nuôi trồng thủy sản cho cá cảnh, thủy sinh.

Đây là những kiếng thức Guppy Nhật Minh tìm hiểu trên internet. Và Mong các bạn đóng góp ý kiến để Guppy có thêm nhiều kiến thức để chia sẽ với mọi người hơn.

Chân thành cảm ơn quý khách hàng đã dành thời gian đọc tìm hiểu.

0772.27.01.20