Phần 10: Cơ chế hoạt động của vi khuẩn nói chung. Khuẩn hại/Nấm tấn công cá như thế nào?

Cơ chế hoạt động của vi khuẩn nói chung. Khuẩn hại/Nấm tấn công cá như thế nào?

Bài viết này mình viết để chào mừng thành lập Hiệp Hội cá 7 màu Việt Nam – VNGA, mọi chia sẻ xin ghi rõ nguồn, xin cảm ơn.

Ai cũng đau đầu về hại khuẩn/nấm nhưng ít ai hiểu sâu về cơ chế sinh hoá chúng tấn công cá như thế nào? Quá nhiều bạn hỏi mình vấn đề này nên mình nghĩ đây là vấn đề rất cấp thiết cần viết sớm, qua đó làm nền tảng để các bạn tự lựa chọn phương pháp chữa bệnh hiệu quả.

Các bạn phải hình dung ra là, trong bể cá luôn luôn có đủ các loại vi khuẩn khác nhau khuếch tán từ không khí môi trường bên ngoài vào, đa số ở dưới dạng bào tử, luôn luôn có cả hại khuẩn/nấm, tất nhiên là cả lợi khuẩn (nhưng lượng lợi khuẩn này không đáng kể) và các loại vi tảo.

Khi các điều kiện về môi trường thích hợp dẫn đến thỏa mãn các điều kiện cơ bản sau thì vi khuẩn/vi nấm gây ra tác dụng (ý này mình đang viết tổng hợp chung cho cả lợi khuẩn lẫn hại khuẩn):

  1. Có đủ thức ăn là các chất hữu cơ, vô cơ và các điều kiện khác như có khí oxy hay không oxy (tùy vi khuẩn kỵ khí hay hiếu khí), nhiệt độ thích hợp, không có mặt các chất có tính diệt khuẩn.
  2. Phải đạt được số lượng lớn đến một mật độ nhất định và hình thành lớp màng nhầy sinh học (nếu có ít được vài con thì chúng chả làm được gì hết);
  3. Lớp màng nhầy sinh học (bio film) đó bám dính lên các tế bào, niêm mạc, biểu mô trên cơ thể cá ở cả ngoài da lẫn bên trong đường ruột, hoặc bám dính lên vật liệu lọc đối với vi sinh xử lý môi trường, hoặc tự bám dính lại với nhau để kết thành các hạt floc…

Dựa trên cơ chế đó, khi cá bị hại khuẩn/vi nấm tấn công gây ra hiện tượng nhiễm trùng thì là do tổng hợp các yếu tố sau đây:

Cá bị suy giảm miễn dịch, giảm sức đề kháng do nguyên nhân nào đó (khí độc tăng cao, xáo động môi trường đột ngột các yếu tố như nhiệt độ, ph,…, hoặc sợ hãi, stress, bị thương do cắn nhau, suy giảm thể lực do vừa trải qua sinh nở, phẫu thuật, vận chuyển xa, nhịn đói dài ngày…), làm lớp màng nhờn bao quanh con cá bị giảm đi, chúng ta hay gọi là tụt nhớt. Khi lớp màng nhờn này bị giảm đi thì giống như cổ họng con người bị khô vậy, các bạn cứ để ý khi cổ họng mình bị khô thì sau đó mình rất dễ bị viêm họng, hắt xì hơi, sổ mũi, cảm cúm… Hơn 200 mét vuông trên cơ thể chúng ta – bao gồm cả diện tích đường tiêu hóa, phổi, ống tiểu,… đều được phủ một lớp chất nhờn, lớp chất nhờn này ngăn chặn vi khuẩn tương tác với nhau và ngăn chúng hình thành lớp màng sinh học gây nhiễm trùng. Cơ chế tương tự như vậy cũng xảy ra trên Guppy và tất cả các loài động vật khác. Giai đoạn này Guppy sẽ có các biểu hiện như túm, hoặc đột ngột lờ đờ, ít hoạt động, thở mặt nước… Màng nhờn này cực kỳ quan trọng đối với sức khỏe tất cả các loài động vật, chúng sinh ra là để hạn chế vi khuẩn tập trung lại thành mật độ cao và để tống vi khuẩn ra ngoài môi trường liên tục, tương lai mình sẽ có bài viết rõ hơn về vấn đề này.

Sau khi lớp nhờn bị khô thì vi khuẩn nó sẽ dễ bám dính hơn rất nhiều vào da cá nhất là các loại hại khuẩn và nấm, kết hợp với môi trường bị ô nhiễm bởi các chất dinh dưỡng dư thừa là nguồn thức ăn phong phú cho bọn hại khuẩn/nấm này, chúng nhanh chóng sinh sôi nảy nở theo cấp số mũ, mật độ tăng lên rất nhanh và hình thành lớp màng nhầy sinh học;

Sau khi kết lại với nhau thành tập hợp và đạt đủ mật độ (cái này rất dễ quan sát bằng mắt thường khi cá bị nấm, nhiễm khuẩn ngoài da) tạo thành lớp màng nhầy sinh học thì chúng làm nhiễm trùng bằng cách tiết ra chất độc phá hủy tế bào, chúng dễ dàng phân tán, xâm nhập vào các mô cơ, phân hủy cấu trúc liên kết mô cơ, làm tan các cục máu đông phá hoại cơ chế cầm máu, giết chết bạch cầu, làm tan hồng cầu… Guppy sẽ bỏ ăn, lắc mạnh rồi chết trong đau đớn với các vết loét nhiễm trùng kinh dị;

Cơ chế tương tự bên trong niêm mạc ruột cũng vậy, hại khuẩn khi bám dính và phát triển trong ruột cá đến một mật độ nhất định hình thành màng nhầy nó sẽ tiết ra chất độc làm phá huỷ niêm mạc ruột kèm chất độc đi theo đường máu phá huỷ các cơ quan nội tạng khác. Các bệnh bỏ ăn, phân trắng, rồi chuyển qua xuất huyết, thối thân cơ chế đều như vậy.

Đối với các loại vi sinh xử lý môi trường hoặc lợi khuẩn đường ruột cũng có cơ chế tương tự:

Chúng phải nhanh chóng đạt được mật độ cao, khả năng bám dính tốt ở vật liệu lọc, niêm mạc đường ruột, tế bào ngoài da…;

Sau đó chúng tạo thành các màng nhầy sinh học và tiết ra các chất có lợi như là các loại enzyme phân giải các chất hữu cơ, các chất kháng hại khuẩn/hại nấm, chống nhiễm trùng, thậm chí sản phẩm của chúng còn là các loại vitamin thiết yếu rất cần thiết cho cá, nâng cao đề kháng, tăng tiết nhớt…;

Khi ở mật độ cao hoạt động mạnh chúng tranh giành hết nguồn thức ăn, không gian sống với các loại hại khuẩn/nấm và áp chế chúng hoàn toàn…

Hôm nay mình viết ngang đây để các bạn nắm cơ chế chung. Cách chữa bệnh cho cá của mình hoàn toàn dựa trên ứng dụng công nghệ vi sinh, đây là cái căn bản nhất cần nắm để các bạn đi các bước tiếp theo chữa bệnh cho cá hoàn toàn bằng vi sinh và không dùng bất cứ thuốc, hoá chất nào nếu bạn nào có hứng thú với trường phái này.

Chúc cộng đồng chúng ta ngày một phát triển.

Nguồn: Bài viết của anh Lê Tiến Hùng (Hung Xíchna) – Hội mua chung đồ nuôi trồng thủy sản cho cá cảnh, thủy sinh.

Đây là những kiếng thức Guppy Nhật Minh tìm hiểu trên internet. Và Mong các bạn đóng góp ý kiến để Guppy có thêm nhiều kiến thức để chia sẽ với mọi người hơn.

Chân thành cảm ơn quý khách hàng đã dành thời gian đọc tìm hiểu.

 

 

0772.27.01.20